Giáo dục bảo vệ môi trường qua các môn học ở tiểu học là việc làm cần thiết để giáo dục các em biết bảo vệ môi trường ngay từ những năm đầu ngồi trên ghế nhà trường bởi “Uốn cây từ thuở còn non” hay “Dạy con từ thuở còn thơ” cũng là một trong những điều kiện tiên quyết để các em được giáo dục dần dần từ nhận thức đến hành động, tạo được thói quen tốt ngay từ khi còn nhỏ.
Tầm quan trọng của việc giáo dục bảo vệ môi trường qua các môn học ở tiểu học
Để ý thức bảo vệ môi trường đi theo các em theo từng con chữ, từng phép tính, từng bức tranh, từng bài hát đầu tiên, mỗi môn học ở tiểu học nên lồng ghép các nội dung về bảo vệ môi trường để giáo dục cho các em về môi trường, hậu quả của ô nhiễm môi trường đến sự sống và tương lai của các em cũng như khuyến khích cho các em làm những việc nhỏ thiết thực, phù hợp với các em để góp phần giúp trường lớp xanh, sạch, đẹp, môi trường được thoáng đãng, trong lành, tạo không khí học tập tích cực hơn.
Mục đích giáo dục bảo vệ môi trường qua các môn ở tiểu học
Giáo dục về bảo vệ môi trường qua các môn học ở tiểu học nhằm mục đích trang bị cho các em những kiến thức và hiểu biết thiết yếu về khoa học môi trường trong mối quan hệ với các vấn đề văn hoá và xã hội, từ đó giúp các em tự đưa ra được những quyết định hợp lý về cách ứng xử với môi trường khi môi trường của chúng ta đang ngày càng bị đe dọa trầm trọng bởi ô nhiễm và các vấn đề khác.
Môi trường cần bảo vệ trong các môn học ở tiểu học được giảng dạy như thế nào?
Môi trường là một khái niệm quen thuộc tồn tại xung quanh chúng ta. Ở môn học Khoa học và xã hội, Môi trường được định nghĩa là một tập hợp các yếu tố xung quanh hay là các điều kiện bên ngoài có tác động qua lại (trực tiếp, gián tiếp) tới sự tồn tại và phát triển của con người và các loài sinh vật.
Theo nghĩa rộng, môi trường là tất cả các yếu tố tự nhiên và xã hội cần thiết cho sự sinh sống, sản xuất của con người như tài nguyên thiên nhiên, đất, nước và không khí, ánh sáng, kinh tế, chính trị, đạo đức, văn hóa, … Theo đó, môi trường sống của con người được phân thành môi trường tự nhiên và môi trường xã hội:
- Môi trường tự nhiên
Bao gồm các nhân tố thiên nhiên như vật lý, hóa học, sinh học tồn tại ngoài ý muốn của con người, song cũng ít nhiều chịu tác động của con người. Đó là ánh sáng mặt trời, núi sông, biển cả, đất, nước, không khí, động vật, thực vật, …
Môi trường tự nhiên cho ta không khí để hít thở, đất đai để xây dựng nhà cửa, trồng trọt, chăn nuôi, cung cấp cho con người những tài nguyên cần thiết cho sản xuất, tiêu thụ và là nơi chứa đựng, chuyển hóa các chất thải, cung cấp cho ta cảnh đẹp để thưởng thức, làm cho cuộc sống con người thêm phong phú hơn …
- Môi trường xã hội
Là tổng thể các mối quan hệ giữa người với người. Đó là những luật lệ, thể chế, cam kết, quy định, ước định, … ở các cộng đồng khác nhau như: Liên Hợp Quốc, Hiệp hội các nước, quốc gia, tỉnh, huyện, xã, gia đình, tổ, nhóm, các tổ chức tôn giáo, cơ quan đoàn thể, …
Môi trường xã hội định hướng con người theo một khuôn khổ nhất định, tạo nên sức mạnh tập thể của cộng đồng, thuận lợi cho sự phát triển của đời sống xã hội.
Đây cũng là yếu tố làm cho cuộc sống của con người khác biệt so với thế giới của các loài sinh vật khác trên Trái Đất.
Ngoài ra còn có khái niệm môi trường nhân tạo: bao gồm tất cả các nhân tố vật lý, sinh vật, xã hội do con người tạo nên và chịu sự chi phối của con người.
Trong môn Đạo đức, các bài học giáo dục nhận thức từ đơn giản đến nâng cao, vận dụng cho các em biết những việc gì nên làm và những việc gì không nên làm để bảo vệ môi trường cũng đã được đưa vào chương trình học.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn cho xuất bản và thí điểm giảng dạy một số sách chuyên biệt cho học sinh tiểu học về hoạt động bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như cuốn sách dưới đây:
Giáo dục là đi từ nhận thức đến hành động. Ngoài các môn học ở trường, việc khuyến khích các em vứt rác đúng nơi quy định, tiết kiệm điện và nước, tự trồng và chăm sóc cây, … cũng là những biện pháp thiết thực để giáo dục các em về bảo vệ môi trường một cách bền vững.
Bên cạnh đó, các nhà trường cũng nên tích cực tổ chức các hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường trong các tiết sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, sắp xếp và đưa kế hoạch làm sạch môi trường lớp học, khu dân cư xung quanh vào sinh hoạt từng tháng, từng tuần để tạo cho học sinh tiểu học phong trào thi đua cùng bảo vệ môi trường, nâng cao hiểu biết qua việc tự tìm hiểu trong các cuộc thi vẽ tranh, hùng biện, kể chuyện, … về bảo vệ môi trường.
Giáo dục bảo vệ môi trường qua các môn học ở tiểu học đã và đang là một vấn đề được cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đặc biệt quan tâm bởi chất lượng môi trường có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển bền vững của cuộc sống con người. Vì thế, hãy dành cho các em ở bậc tiểu học nhiều sự đầu tư hơn nữa vào các môn học về bảo vệ môi trường!