Thông thường, khi gia nhập vào đội ngũ của một công ty, chúng ta sẽ được tham gia vào Công Đoàn của công ty đó dựa trên cơ sở tự nguyện. Hàng tháng, trong phiếu lương của chúng ta sẽ có phần khấu trừ chi phí công đoàn. Vậy, công đoàn cơ sở là gì? nguyên tắc hoạt động hay hướng dẫn thu chi tài chính công đoàn cơ sở là như thế nào? Chắc hẳn bản thân mỗi người lao động đều muốn biết rõ điều đó. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin để giải đáp các vấn đề trên, hãy cùng chúng tôi theo dõi nhé.
Công đoàn cơ sở là gì?
Trước khi tìm hiểu về công đoàn cơ sở, chúng ta cần có sự hiểu biết cơ bản đối với tổ chức mang tên “Công Đoàn”.
Công đoàn được định nghĩa tại Điều 1 của Luật Công đoàn số 12/2012/QH13, ban hành năm 2012. Theo đó, công đoàn là một tổ chức chính trị – xã hội của Việt Nam, đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động. Công đoàn được thành lập dựa trên cơ sở tự nguyện của các công đoàn viên. Đảng Cộng Sản Việt Nam là tổ chức trực tiếp lãnh đạo công đoàn. Mục đích của công đoàn là phối hợp với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế – xã hội để chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của người lao động.
Công đoàn cơ sở là tập hợp các công đoàn viên trong một công ty/ tổ chức/ doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Công đoàn cơ sở là đại diện chính thức của tập thể người lao động trong công ty/tổ chức, thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động trong đơn vị đó.
Công đoàn cơ sở được thành lập khi trong công ty/tổ chức có ít nhất 5 đoàn viên công đoàn hoặc 5 người lao động có đơn tự nguyện xin gia nhập Công đoàn Việt Nam. Trong trường hợp không đủ số lượng, công ty có thể hoạt động phụ thuộc vào công đoàn cấp trên để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Chức năng nhiệm vụ của công đoàn cơ sở doanh nghiệp.
Như đã nói ở trên, công đoàn cơ sở là đại diện chính thức của tập thể người lao động trong công ty, thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động trong công ty đó. Vậy, những chức năng hay nhiệm vụ đó được thể hiện như thế nào trong doanh nghiệp? Chúng ta hãy cùng theo dõi các thông tin sau đây nhé.
- Tuyên truyền, vận động đoàn viên trong tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, tích cực học tập, rèn luyện nâng cao năng lực chính trị và năng lực trong công việc.
- Công đoàn cơ sở đại diện cho người sử dụng lao động thực hiện quy chế dân chủ, mở hội nghị người lao động, … Bên cạnh đó, công đoàn cơ sở cũng đại diện cho tập thể lao động tham gia giải quyết các tranh chấp lao động hoặc các vấn đề phát sinh theo quy định của pháp luật.
- Tập hợp những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của công đoàn viên và tìm các giải quyết thỏa đáng. Phối hợp với các tổ chức liên quan chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Tổ chức thực hiện các hoạt động xã hội, hỗ trợ công đoàn viên trong công việc, tránh xa các tệ nạn xã hội.
- Quản lý và sử dụng tài chính công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.
Hướng dẫn thu chi tài chính công đoàn cơ sở mới nhất
Quy định thu – chi, quản lý tài chính công đoàn cơ sở được quy định tại các điều ở Luật công đoàn năm 2012 của Chính phủ và các Nghị định hướng dẫn, Quyết định được ban hành bởi Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam. Theo đó, chúng ta có thể chia ra các khoản thu vào và các khoản phải chi như sau.
Hướng dẫn thu vào
Các khoản thu vào được chia ra 2 loại đó là: Thu đoàn phí công đoàn và thu kinh phí công đoàn.
Mức đóng đoàn phí công đoàn cơ sở
Chỉ có đoàn viên cơ sở mới đóng phí công đoàn cơ sở. Trong đó, mức phí hàng tháng sẽ có sự điều chỉnh khác nhau giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp công lập và các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
- Đối với đoàn viên công đoàn cơ sở thuộc cơ quan nhà nước: Mức phí công đoàn hàng tháng sẽ bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
- Đối với đoàn viên công đoàn cơ sở thuộc doanh nghiệp nhà nước: Mức đóng phí công đoàn hàng tháng sẽ là 1% tiền lương thực lĩnh (tiền lương đã khấu trừ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, thuế TNCN của đoàn viên).
- Đối với đoàn viên công đoàn cơ sở thuộc doanh nghiệp ngoài nhà nước: Mức đóng phí công đoàn hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Mức đóng này tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước (hiện tại tối đa là 149.000 đồng/tháng).
Mức đóng kinh phí công đoàn
Không phân biệt các cơ quan/doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở hay chưa, hàng tháng bắt buộc phải đóng phí công đoàn cơ sở cho công đoàn. Kinh phí công đoàn được đóng vào cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động trong tháng.
Kinh phí công đoàn được cơ quan/ tổ chức/doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động.
Các khoản chi
Các khoản chi tài chính công đoàn cơ sở được quy định theo Điều 6, Quyết định số 1910/QĐ-TLĐ ban hành bởi Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam ngày 19/12/2016. Theo đó, các khoản chi được xác định như sau:
- Trả lương, các khoản phụ cấp và đóng theo lương.
- Chi quản lý hành chính.
- Chi hoạt động phong trào.
Trên đây là những thông tin cần biết về công đoàn cơ sở cũng như hướng dẫn thu chi tài chính công đoàn cơ sở mới nhất hiện nay. Hy vọng những thông tin trên có thể giúp bạn đọc hiểu thêm về tổ chức công đoàn cũng như tầm quan trọng khi tham gia vào tổ chức này khi làm việc tại các công ty/tổ chức/doanh nghiệp có vốn đầu tư trong và ngoài nước.