HIV/AIDS được biết đến là căn bệnh thế kỷ được cả thế giới quan tâm. Được biết, HIV hiện chưa có bất kỳ loại thuốc hay phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm. Chính vì vậy, việc nắm rõ HIV lây qua đường nào sẽ góp phần giúp bản thân phòng tránh lây nhiễm HIV một cách chủ động.
Tổng quan về virus HIV
HIV là một loại virus thuộc vào họ Retroviridae, là thành viên của họ phụ Lentivirinae gây nên hội chứng suy giảm miễn dịch. Chúng xuất hiện và gây ra những thương tổn cho hệ miễn dịch của người bị phơi nhiễm. Từ đó, bệnh nhân mất khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh và cuối cùng dẫn đến tử vong.
AIDS là giai đoạn cuối cùng của bệnh nhân nhiễm virus HIV, chúng thể hiện qua những bệnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư hay các bệnh về rối loạn miễn dịch dẫn đến tử vong. Theo thống kê, khoảng thời gian chuyển từ HIV sang AIDS đối với mỗi người bệnh là không giống nhau. Chúng còn tùy thuộc vào hành vi và khả năng đáp ứng miễn dịch của mỗi người, trung bình là 5 năm.
HIV lây qua đường nào?
HIV có thể xâm nhập và nhân lên ở nhiều loại tế bào như tế bào máu và bạch huyết, tế bào não, tế bào dạ dày- ruột, tế bào da… Đặc biệt HIV xâm nhập chủ yếu vào tế bào lympho T CD4+ (các tế bào lympho T hỗ trợ ), phá hủy tế bào làm cho số lượng tế bào lympho T CD4+ bị suy giảm kéo theo sự suy giảm của hệ thống miễn dịch làm cho những vi sinh vật trong cơ thể bình thường không gây bệnh trở thành gây bệnh. Bệnh nhân dễ mắc các nhiễm trùng cơ hội như viêm phổi, viêm da, viêm ruột, viêm họng…do vi khuẩn, nấm và virus. Tuy nhiên chỉ có 3 đường truyền được xác định:
- Lây truyền qua đường tình dục đồng giới và khác giới: Đây là đường lây truyền phổ biến chiếm khoảng 70% tổng số nhiễm HIV trên thế giới, từ nam truyền cho nữ hoặc ngược lại, khả năng lây nhiễm từ nam sang nữ nhiều gấp 2- 4 lần nữ truyền cho nam.
- Lây truyền qua đường máu và các sản phẩm từ máu: Virus truyền qua máu có thể ở dạng tự do, ở trong tế bào lympho hoặc trong đại thực bào. Thường do truyền máu hoặc các sản phẩm của máu có virus. Có thể lây truyền qua bơm kim tiêm, các dụng cụ phẫu thuật, châm chích, xăm, rạch… đã bị nhiễm HIV.
- Lây truyền từ mẹ sang con: HIV có thể truyền từ mẹ sang con qua nhau thai hoặc qua sữa mẹ.
Lưu ý: virus HIV không truyền qua côn trùng.
HIV không lây qua đường nào?
Một người khỏe mạnh sẽ không nhiễm HIV trong những trường hợp dưới đây:
- HIV không lây qua đường tiêu hóa, việc bắt tay, ôm hôn với người bị nhiễm sẽ không có nguy cơ nhiễm HIV. Bởi nước bọt cả người bị bệnh chỉ chứa 1 lượng virus vô cùng nhỏ và hoàn toàn không đủ khả năng phá hủy hay truyền bệnh.
- HIV không lây qua đường hô hấp nên việc đứng gần, hắt hơi, ho hay thậm chí bơi cùng hồ bơi, mặc chung áo quần cũng không gây nhiễm HIV.
- Bị muỗi hoặc côn trùng đốt cũng không nhiễm HIV vì HIV không có khả năng sống sót và sinh sản trên cơ thể muỗi hay bất kỳ loài côn trùng nào.
HIV có chữa được không?
HIV gây suy giảm hệ miễn dịch ở người từ đó khiến cơ thể dần mắc nhiều bệnh lý cơ hội và dẫn đến tử vong. Mặc dù các nghiên cứu đang được đẩy mạnh và đưa ra nhiều phát kiến mới mẻ song để trả lời cho câu hỏi “ HIV có chữa được không?” thì câu trả lời là vẫn chưa có giải pháp để chữa khỏi.
Thay vào đó, các loại thuốc và biện pháp điều trị chỉ kiểm soát và kiềm chế sự phát triển của virus và nâng cao hệ miễn dịch của người bệnh. Trong đó, có một số phương pháp gây ức chế quá trình sao chép của HIV khiến chúng không thể nhân lên hoặc làm hại hệ miễn dịch của người bệnh.
Cách phòng tránh lây nhiễm HIV
HIV gây ra hàng loạt ảnh hưởng xấu đến cơ thể người nhiễm, do vậy cần tìm hiểu và nắm rõ những biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV sau đây:
- Sống lành mạnh, quan hệ tình dục an toàn, chung thủy 1 vợ 1 chồng. Nếu có quan hệ với người khác nhất định phải sử dụng bao cao su.
- Chỉ tiến hành truyền máu khi thực sự cần thiết. Máu và những chế phẩm từ máu trước khi truyền vào cơ thể người nhận cần thực hiện xét nghiệm HIV.
- Nhân viên y tế cần đeo găng tay trong quá trình làm việc đặc biệt là những trường hợp phải tiếp xúc với máu, các dịch nôn,… của người bệnh.
- Không sử dụng chung bơm kim tiêm, các dụng cụ phẫu thuật, châm cứu hay xăm hình cần đảm bảo vô khuẩn trước khi sử dụng.
- Phụ nữ khi phát hiện nhiễm HIV thì không nên sinh con. Nếu vẫn muốn có con thì cần đến những cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ tư vấn cách phòng tránh lây nhiễm từ mẹ sang con.
- Không dùng chung các dụng cụ vệ sinh cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu,… với người bị nhiễm HIV.
HIV gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người từ đó tạo cơ hội cho các bệnh cơ hội khác. Tuy HIV không dễ lây lan ra cộng đồng song hiện chưa có phương pháp hay loại thuốc nào có thể điều trị dứt điểm. Chính vì vậy, việc nắm rõ các kiến thức về virus HIV cũng như các đường lây truyền sẽ giúp bản thân chủ động phòng tránh phơi nhiễm HIV.