Thuốc hoá học bảo vệ thực vật là những hợp chất độc có nguồn gốc hóa học tổng hợp được dùng trong nông nghiệp để phòng chống, diệt trừ các đối tượng gây hại cho cây trồng và nông sản trên đồng ruộng, vườn tược, …
Câu hỏi đặt ra là: Ảnh hưởng của thuốc hóa học bảo vệ thực vật đến quần thể sinh vật và môi trường là gì?
Thuốc hoá học bảo vệ thực vật bên cạnh tác dụng diệt hại cho cây trồng thì chúng còn là những chất độc mang khả năng gây hại cho người tiếp xúc cả trực tiếp và gián tiếp, gia súc, sinh vật có ích và môi trường sống trong trường hợp không thực hiện những quy tắc đảm bảo an toàn trong suốt quá trình bảo quản, sử dụng và vận chuyển thuốc …
Thuốc hoá học bảo vệ thực vật có những loại nào?
Thuốc hoá học bảo vệ thực vật có khoảng trên 10.000 hợp chất độc và được phân loại theo nhiều cách khác nhau.
Ví dụ như theo đối tượng bị diệt trừ có thuốc hóa học trừ sâu, trừ vi khuẩn, trừ côn trùng, trừ cỏ dại, … theo cách xâm nhập vào cơ thể địch hại có thuốc vị độc (qua đường tiêu hoá), thuốc tiếp xúc (qua da, qua vỏ), thuốc xông hơi (qua đường hô hấp), … theo nguồn gốc và thành phần có Thuốc hóa học vô cơ và thuốc hóa học tổng hợp hữu cơ. Ngoài ra còn nhiều cách phân loại khác.
Việc phân loại thuốc hoá học giúp ích rất nhiều cho việc bảo quản và sử dụng sao cho đúng.
Vậy thì: Bảo quản thuốc hoá học bảo vệ thực vật theo quy tắc nào là đúng?
- Nơi bảo quản thuốc phải cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, xa khu dân cư, trường học và nguồn nước, đặc biệt phải xa tầm với của trẻ em.
Đã có không ít câu chuyện thương tâm về việc trẻ em uống nhầm thuốc hoá học bảo vệ thực vật dẫn đến ngộ độc, tử vong …
- Thuốc phải được xếp ngăn nắp trong kho chứa khô ráo theo từng loại đảm bảo an toàn, dễ lấy và dễ kiểm tra. Các thùng thuốc không được xếp quá cao, không được để trực tiếp dưới sàn.
- Trong trường hợp lọ thuốc bị đổ vỡ hoặc làm rò rỉ thuốc thì phải tìm cách bịt kín lỗ rò, lấy mùn cưa hoặc cát thấm và quét sạch thuốc rồi cho vào các hộp kín để tiêu hủy đúng theo quy định an toàn cho môi trường.
Chính vì nguyên tắc này không được đảm bảo nên rất nhiều chai, lọ chứa thuốc hóa học bảo vệ thực vật chưa được tiêu huỷ đúng cách đã bị vứt bỏ ở khắp nơi, ngấm vào đất và nguồn nước, hoặc bị đốt trực tiếp ngoài không khí gây ô nhiễm môi trường.
Sử dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật như thế nào là đúng?
- Trước khi dùng thuốc: Người mắc các bệnh về thần kinh, người mới ốm dậy, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú… và trẻ em dưới 16 tuổi không được đi phun thuốc.
Phải kiểm tra đồ phòng hộ đầy đủ, bình phun, dụng cụ pha chế thuốc, … đều đảm bảo an toàn trước khi triển khai công việc.
- Trong khi phun thuốc: Tránh để thuốc bắn vào người và quần áo (không phun thuốc ngược chiều gió, không đùa nghịch, cấm hút thuốc, ăn uống, … trong khi phun).
Chú ý cân đong và pha thuốc theo đúng chỉ dẫn để hiệu quả của thuốc đạt hiệu quả tốt nhất.
- Sau khi phun thuốc: Phải rửa sạch dụng cụ, bình phun bằng nước sạch. Thuốc còn thừa và nước rửa bình, dụng cụ phun phải được cho vào nơi an toàn. Không được rửa bình xuống ao, hồ gần nguồn nước sinh hoạt.
Quần áo mặc sau khi phun phải được giặt sạch lại bằng xà phòng. Phải tắm rửa người sạch sẽ, sau đó nên giải độc bằng nước chè, nước hoa quả tươi … để tránh bị ngộ độc độc tố trong thuốc hoá học.
Người thường xuyên tiếp xúc với thuốc hóa học bảo vệ thực vật phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ cùng như cây trồng sau khi được phun thuốc phải đảm bảo đủ thời gian cách ly mới được thu hoạch để tránh thuốc hoá học còn sót lại gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dùng.
Khi sử dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật, cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản đó là nguyên tắc 4 đúng: phun đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng, nồng độ và đúng cách.
- Đúng thuốc: bởi mỗi loại thuốc chỉ trừ được một số địch hại nhất định nên phải chọn thuốc hoá học đúng đối tượng phòng trừ, trong đó nên ưu tiên thuốc trừ hại đặc hiệu và các thuốc có tác dụng tương tự.
- Đúng thời điểm: nên phun thuốc vào lúc địch hại mẫn cảm và dễ chết nhất (tuổi sâu còn nhỏ, sâu vừa lột xác, trứng mới nở hoặc bệnh mới xuất hiện, cỏ dại mới mọc, …).
- Đúng liều lượng, nồng độ: Mỗi loại thuốc bảo vệ thực vật đều có quy tắc về nồng độ và liều lượng để trừ địch hại đạt hiệu quả, an toàn đối với môi trường và cây trồng cũng như người dùng.
Liều lượng này được tính bằng gram hoặc kilogram hoạt chất cho một đơn vị diện tích hoặc thể tích nhất định, do đó phải cân đong chính xác, tránh ước lượng tùy ý gây lãng phí và những hậu quả ngoài ý muốn.
- Đúng cách: Mỗi loại thuốc hóa học bảo vệ thực vật có kỹ thuật sử dụng riêng, nhất định phải tuân thủ.
- Với loại thuốc bột: phải phun hoặc rắc đều trên diện tích quy định. Trường hợp thuốc bột ít, có thể trộn thêm đất bột hoặc cát khô để rắc lên cho đều.
- Với loại thuốc phun dạng lỏng: đổ ít nước vào bình rồi đổ nước khuấy đều cho tan sau đó đổ hết lượng nước theo tỷ lệ quy định. Khi phun cần phun đều, kỹ, tập trung vào nơi có địch hại.
Kết luận
Để hạn chế ảnh hưởng của thuốc hóa học bảo vệ thực vật đến quần thể sinh vật và môi trường, hãy tiến hành phun thuốc khi đảm bảo đủ các điều kiện an toàn và đúng vào thời điểm trong ngày, tốt nhất là lúc trời quang khô ráo, lặng gió, tránh lúc nắng quá to … Khuyến khích nên phun thuốc vào buổi sáng sớm vì cây trồng sẽ dễ hấp thụ hơn.